Chúng tôi đến Lào Cai lúc 5h30’. Bến xe đi Mường Hum gọi là bến chứ thực tế ở đây chỉ là một bãi trống, chẳng có gì giống bến xe. Có 2 xe đều chạy chuyến Lào Cai – Mường Hum, một chiếc xuất phát lúc 7h30’ và chiếc còn lại xuất phát lúc 8h30’. Cả 2 chiếc xe đều cũ kỹ, gỉ sét đến mức khó tưởng, vậy mà vẫn được sử dụng.
Quãng đường từ Lào Cai đến Mường Hum chỉ 44km nhưng xe chạy hết hơn 4 giờ đồng hồ. Cũng may hôm đó vắng khách, chỉ có 8 người trong đoàn và 3 khách nữa.
Bác tài nói có những hôm đông khách chở đến hơn trăm người trên xe. Khủng khiếp nhất là quãng đường cách Mường Hum khoảng 20km, xóc và trơn, dốc cao, vực sâu, ngồi trên xe mà ai cũng toát mồ hôi hột.
Bác tài vẫn tươi cười vê vô lăng và bảo: “Tụi bây yên tâm, tao chạy đường này 20 năm rồi, không sao đâu”. Cứ chạy một đoạn xe lại dừng vì có người gửi hàng xuống Mường Hum “thượng vàng hạ cám”, từ nhu yếu phẩm như thịt, cá đến thuốc chữa bệnh. Đến mấy bác Bưu điện cũng tiện gửi thư từ, báo chí cho nhà xe chuyển cho.
Đến được Mường Hum cũng đã muộn nên đoàn tìm quán ăn trưa. Ở đây, có món đặc sản rượu Nậm Pung, thấy lạ mọi người gọi thử 1 chai ra uống. Phải công nhận rượu này “bốc” thật, làm vài chén mà đã nói líu cả lưỡi. Chợ Mường Hum họp vào các ngày chủ nhật từ 7h đến13h trưa, còn là nơi các chàng trai, cô gái người Dao, Mông, Dáy, Hoa... vui chơi và tìm bạn tình.
Theo lịch trình, đoàn xuất phát từ ngã ba Sảng Ma Sáo – Nhìu Cồ San, nhưng từ đây đến đấy còn hơn chục kilômét. Phương án đưa ra là tìm “xe ôm”. Nhưng ở cái thị xã nhỏ bé này không có ai làm nghề đấy, mãi mới gạ được một cậu nhận chở giúp. Thôi thì lần lượt từng người vào vậy.
Sau quãng đường “hành xác” trên ôtô giờ đến lượt xe máy. 2 người với 1 cái ba lô có vẻ là quá sức với chiếc xe máy. Mỗi khi leo dốc, mặc dù đã về số 1 nhưng xe chỉ chực tụt ngược lại. Ì ạch mãi mới đến được điểm tập trung.
Được một lúc thì có bác Biên phòng cắm bản ra hỏi han. Sau khi trình báo thông tin, bác ấy mời vào trạm công tác nghỉ ngơi, sáng mai đi Nhìu Cồ San sớm, nhưng thời gian có hạn nên cả đoàn từ chối, nhằm thẳng hướng Nhìu Cồ San tiến đến. Cảnh vật 2 bên đường khá đẹp, một bên là những ngôi nhà hoa mận nở trắng, một bên là dòng suối chảy róc rách hữu tình.
Đường càng vào sâu càng nhiều dốc cao, sương mù càng dày đặc, cách vài mét mà đã không nhìn thấy nhau. Cả một quãng đường dài không thấy một nóc nhà, không một bóng người, chỉ có tiếng chân của 8 con người lầm lũi tiến về Nhìu Cồ San.
Đang đi bất chợt gặp một ngôi nhà nhỏ nằm cạnh ngã ba đường, cửa đóng kín nhưng có ánh đèn hắt qua khe cửa, và tiếng của trên đài tiếng nói Việt Nam.
Cả nhóm dừng lại gọi cửa để hỏi đường thì được bác chủ nhà cho biết: “Đây là Nhìu Cồ San”, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm xin chủ nhân của ngôi nhà là Vường A Dấy cho nghỉ nhờ qua đêm.
Sáng sớm, bước ra khỏi nhà là thấy những con dốc, đi mãi mà không gặp người để hỏi đường. Đi hết nửa buổi sáng mới thấy cổng bản, vậy là đã đi qua Nhìu Cồ San.
Cứ tưởng là đi hết bản Nhìu Cồ San là đến con đường đá do người Pháp xây dựng, nhưng không phải. Trước mặt là một con đường chạy xuyên qua sườn núi, được người dân xếp những tảng đá to, trơ ra làm lối đi. Đi qua con đường này khá nguy hiểm, vì thời tiết luôn ẩm ướt, đá trơn, không cẩn thận là trượt chân ngã xuống vực.
Mọi người tiếp tục đi sâu vào khu rừng, cuối cùng thì còn đường đá hiện ra trước mắt, vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Có nhiều đoạn đường được làm rất to, những viên đá có kích thước tương đối đồng đều, nhiều đoạn hẹp, đá to, đá nhỏ lẫn lộn.
Trên đường đi gặp duy nhất một cái lán nhỏ, nằm nép mình bên sườn đồi cạnh dòng suối nhỏ. Khí hậu ở đây quá ẩm ướt làm cho việc nhóm lửa trở nên khó khăn.
Vào giữa khu rừng, con đường đá đẹp hơn. Có những đoạn hoa Đỗ Quyên rụng đỏ rực cả đường, lại có những đoạn phủ một lớp rêu xanh rì.
Sau 9h, đỉnh Nhìu Cồ San đã hiện ra trước mắt. Cảnh vật ở đây tuy rất đẹp nhưng anh em không dám dừng lại lâu, vì còn phải sang bản Sáng Ma Pho để nghỉ đêm.
Loáng một cái bóng đêm đã bao phủ khắp núi rừng, ai cũng tỏ ra lo lắng vì không biết con đường này sẽ dẫn tới đâu? Chỉ đến khi bắt gặp cái cổng bản thì mọi lo lắng mới được giải toả. Nhưng từ cái cổng này đến bản vẫn còn xa, ai cũng đói và mệt, nên không còn nghe thấy tiếng cười đùa nữa. Chỉ còn tiếng bước chân giữa màn đêm u tịnh, chợt tất cả dừng lại lắng nghe, xa xa vọng lại tiếng chó sủa, và tiếng lũ trẻ nô đùa càng lúc càng rõ dần. Những âm thanh rất đỗi bình thường mà sao lúc này thấy đáng yêu đến lạ.
Gặp 2 vợ chồng người Mông cùng cậu con trai nhỏ đang ngồi bên đường, chưa kịp hỏi thăm đã thấy người chồng đứng lên chào và nhất quyết mời về nhà. Dù mệt nhưng sự hiếu khách vô tư của vợ chồng A Của khiến chúng tôi đều vui và cảm động. Vậy là mục tiêu tìm kiếm con đường đá cổ đã hoàn thành. Đây là một di tích cổ xưa còn sót lại tương đối nguyên vẹn nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, dù vậy vẫn là một nơi thú vị dành cho những người thích khám phá.
Du lịch, GO! - Theo Trường Sơn (báo Giao Thông Vận Tải), Phuot.vn và nhiều nguồn ảnh khác.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét