Không ít thông tin về cánh rừng bách xanh đặc hữu nằm trong lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, song để tiếp cận được loài cây này đâu phải chuyện dễ dàng. Bởi đây là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
May mắn lần này bốn anh em chúng tôi bám theo đoàn làm phim của truyền hình Quảng Bình mới được mấy anh kiểm lâm… động lòng cấp phép. Thuận lợi trên cả mong đợi khi được ba cán bộ kiểm lâm dẫn đường với lời cam kết: “Sẽ dẫn đoàn cho tới khi nào các anh chạm tay được vào bách xanh”. Loài cây huyền thoại mới được phát hiện vào năm 2008 cho tới nay vẫn là điều lạ lẫm và mơ hồ với đại chúng.
Đánh vật với quãng đường ngổn ngang
Phong Nha – Kẻ Bàng ngoài hệ hang động kỳ vĩ còn tồn tại những cánh rừng nguyên sinh thâm u, trong đó bao bọc không ít huyền thoại, từ tập tục ngủ hang của người Rục cho tới lễ cúng đầy màu sắc phù thuỷ của người Bru Vân Kiều. Song vào năm 2008, cánh rừng bách xanh được phát hiện bởi viện Thực vật Khamarop (Nga) kết hợp cùng viện Sinh thái và tài nguyên sinh học Việt Nam và cán bộ trung tâm Nghiên cứu khoa học và cứu hộ – vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Cho tới nay, đây là quần thể rừng bách xanh nguyên sinh lớn nhất còn lại ở Việt Nam, được xác định tồn tại trên 500 năm tuổi, phân bố trên diện tích 2.400ha. Mục tiêu chinh phục đỉnh núi đã hoà trộn cùng sự háo hức khi mấy o truyền hình xinh như mộng cũng hăm hở mũ áo lên đường. Ngay cả cánh kiểm lâm cũng phải phục các o Quảng Bình, da trắng ngần, đuôi mắt sắc dao cau, tay chân mảnh mai mà cũng băng rừng vượt dốc ầm ầm.
Dù khắp các nhánh đông – tây của đường Hồ Chí Minh đã được trải nhựa phẳng phiu, song đường 20 tách ra từ nhánh Tây đi tới cửa khẩu Cà Roòng Noọng Ma lại đang trong quá trình thi công. Đây là con đường cuối cùng của hệ thống đường Hồ Chí Minh được cải tạo, và cách đây vài tháng thôi, xe du lịch, xe nhỏ đừng mơ đi được, bởi sau chiến tranh đường như thế nào thì tới nay vẫn thế. Chiếc xe 15 chỗ của chúng tôi như đánh vật với mặt đường đầy ổ voi, ngổn ngang đá và chi chít các vũng lầy. Cửa khẩu Cà Roòng Noọng Ma mai sau sẽ là cửa khẩu quốc tế chính thức. Đánh vật 37km mà mất hơn 2 giờ, nhưng vào tới được trạm kiểm lâm 37 cũng đã là may chán.
Đứng trong rừng cây bách xanh
Sau màn cúng thần rừng của mấy anh kiểm lâm để xin phép thần linh cho đoàn lên núi, cùng nhau dấn sâu vào màu xanh âm u. Tất nhiên là đường mòn, là phải đương đầu với lũ vắt rừng. Mới có mưa vài hôm trước, trên lớp lá mục vắt nhảy tanh tách, ngoe nguẩy thò ra khi thấy hơi người. Nguyên tắc đi trong rừng có vắt là không dừng lại một nơi quá lâu, nhưng làm sao mà có thể cắm cúi đi khi các cô gái cứ hú lên như ngộ dại.
Dây leo chằng chịt, lá mục trải thảm trơn trượt, quãng đường dài vài kilômét ban đầu quả là cực hình cho phái đẹp. Gặp quãng núi dựng đứng, đá tai mèo sắc như dao, vách dựng ngược, chỉ có thể lên bằng đu bám. Thương các o truyền hình, lỉnh kỉnh túi xách, lằng nhằng dây rợ, qua quãng núi nào lại phải dừng để quay, dẫn, thoại… Lên nữa, gần tới cao độ 1.000m so với mặt biển, khung cảnh bỗng thoáng đãng bất ngờ. Rồi tán cây bách xanh đột ngột hiện ra. Loài cây huyền thoại chỉ mọc trên chót vót cao, liệu có giống huyền thoại phượng hoàng phi đỉnh cao không đậu?
Nhìn bề ngoài cây bách xanh cũng không khác mấy so với tùng, nhất là nếu so sánh phiến lá phẳng, song thân mọc có vẻ tự do hơn, có khá nhiều cành chĩa ngang chứ không thẳng như thông. Phóng tầm mắt sang núi bên kia, cũng là quần thể bách mọc xanh rì. Theo mấy anh kiểm lâm, đây là khu vực lõi rừng bách, được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Cảnh sắc đẹp, trên đỉnh núi có nhiều điều rất lạ, đặc biệt là giống phong lan nhỏ mọc bám vào đá, khô cằn và nắng như thiêu đốt mà vẫn nở bung những chùm hoa nhỏ xíu, đẹp như mơ với sắc trắng pha hồng. Đang mải mê chụp ảnh, bỗng một o hét toáng lên vì phát hiện một con rết đỏ rực, to bằng ngón cái bò loằng ngoằng trên vách đá ngay sát lưng anh bạn. Cả đám tái mặt! Vô phúc bị ông ngô công kia cho một phát thì chắc chỉ có thuê trực thăng lên nhấc về.
Hành trình trở về cũng lặp lại những nỗi trần ai, vách đá, thảm lá mục, đàn vắt hung hãn. Thôi cứ lao xuống, rồi con đường cũng hiện ra trước mắt. Trên người ai cũng dăm ba vết máu rỉ, ngồi uống nước trên trạm kiểm lâm vẫn loe ngoe vài chú vắt được gỡ ra từ giày, ống quần. Chinh phục được đỉnh bách xanh thì vài giọt máu bị vắt hút cũng chỉ là chuyện không đáng tính.
Tên Việt Nam: Bách xanh
Tên Latin: Calocedrus macrolepis
Họ: Hoàng đàn Cupressaceae
Bộ: Hoàng đàn Cupressales
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn
(Sách đỏ Việt Nam - trang 389)
Du lịch, GO! - Theo SGTT.VN, ảnh internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét