Tháng giêng, không khí Tết vẫn còn đâu đây, bà con Mường Đòn (xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành) lại tất bật chuẩn bị cho ngày hội lớn của bản. Mùi hương thơm của gạo nếp nương thoang thoảng, tiếng lợn kêu eng éc.
Các thiếu nữ Mường mắt lúng liếng, má đỏ hây hây đang chuẩn bị trang phục cổ truyền cho ngày hội với váy đen dài, được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật, thắt lưng xanh, áo ngắn, đầu quấn khăn trắng. Và không thể thiếu những quả còn được làm khéo léo đủ màu sắc sặc sỡ. Quả còn không chỉ để vui chơi mà nó mang ý nghĩa tốt đẹp mang lại sự may mắn nếu ai đó được tặng và giữ gìn cho đến hội năm sau.
Theo những người già trong Mường kể lại, Mường Đòn còn có tên là Mường Đón bao gồm các bản Vân Phú, Vân Phong, Vân Đình, Vân Tiến, giáp ranh với tỉnh Ninh Bình. Khi giặc giã còn hoành hành, thế đất hiểm trở nơi đây rất thuận lợi cho việc dụ giặc vào tiêu diệt, nên được gọi là Mường Đón. Theo năm tháng, tên Mường Đón được đọc chệnh đi thành Mường Đòn.
Ngay sau khi lập ra làng, bà con dân bản đã góp sức xây dựng nên ngôi đình mang dáng dấp ngôi nhà sàn. Đình được xây dựng trên thế đất cao ráo, bằng phẳng rộng năm gian không có tường vách. Qua năm tháng, đình được tu sửa, góc mái uốn lượn hình rồng, trên nóc đình có hai con rồng chầu, sàn đình rộng rãi lát gạch bát.
Ngay phía sau của đình là một gian thờ tự nhỏ ba gian, gian chính là nơi để bài vị, bát hương thờ cúng thần họ Vũ hay còn gọi là Vũ Tướng quân - Vũ Duy Dương, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình, một danh tướng dưới thời Vua Lê Trang tông. Ông đã hết lòng phò Lê diệt Mạc và lập được nhiều công trạng. Trong một trận chiến đấu ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, tướng Vũ bị chém giữa đám loạn quân, tuy đầu sắp lìa khỏi cổ vẫn bám chặt lưng ngựa về đến suối Bai Mường - Mường Đòn hy sinh.
Tưởng nhớ công lao to lớn và lòng trung hiếu của ông, Vua Lê Trang tông ban sắc phong là Bạch Mã Linh Lang Thượng Đẳng Thần và được dân làng lập đền thờ bên cạnh suối Bai Mường, nay được gọi là đền Thượng hay đền Ông. Đến thời hậu Lê đã dựng thêm ngôi đình để hương khói gọi là đình Mường và tôn ông là Thành hoàng của Mường.
< Thi bắn “ná’’ - một trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Mường.
Bên cạnh đền Ông, còn một ngôi đền được dựng sau đó thờ bà Vũ Thị Cao, em ruột của ông Vũ Duy Dương. Tương truyền, khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh, bà Vũ Thị Cao từ đất Yên Mạc khăn gói đóng giả làm người buôn bán vào cùng anh phò Vua giết giặc. Nhưng khi đến nơi, thì anh đã hy sinh, bà quyết chí ở lại phục mộ anh và giúp đỡ dân Mường, đồng tâm hiệp lực xây dựng làng bản quê hương Mường cho đến cuối đời. Cảm phục ý chí của bà, nhà vua đã truy phong “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc” và được dân Mường lập đền thờ cúng tại thôn Vân Phong – gọi là đền Bà.
Chính bởi vậy, hàng năm từ ngày 17 đến 19 tháng giêng, bà con dân bản và các vùng lân cận lại chuẩn bị lễ vật thành tâm đến thắp hương tưởng niệm và cùng chung vui các trò chơi dân gian, dân tộc cổ truyền như đánh mảng, ném còn, bắn nỏ, chơi đu..., động viên nhau đoàn kết cày cấy, gieo trồng ngô, sắn để dân Mường cùng có cơm ăn, áo mặc và xây dựng làng Mường, quê hương, đất nước.
< Rước kiệu từ đền thờ Bạch mã Linh Lang về đình làng trong lễ hội Mường Đòn.
Hội diễn ra thâu đêm suốt sáng với những chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, đặc sắc với những làn điệu tuồng cổ do chính người dân trong bản thể hiện. Đây cũng là nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc trưng và độc đáo, mà vùng dân tộc Mường còn lưu giữ lại được.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Nghiên cứu văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đã nhận định: “May mắn và đáng quý biết bao, lễ hội Mường Đòn vẫn còn giữ được bản sắc vốn có từ xa xưa và đang được thực hành sinh động bởi con người hiện đại. Trong không gian văn hóa cổ truyền ấy, vô hình chung, người Mường Đòn đã và đang lưu giữ nhiều nét độc đáo của hình thức sinh hoạt hội làng được du nhập và bản địa hóa từ người Việt, hoặc chí ít, cũng giữ được những biểu hiện thực hành, mà qua đó, giới quản lý và nghiên cứu di sản văn hóa cổ truyền có được cứ liệu tin cậy để nhìn nhận mối gắn kết văn hóa Việt - Mường trong lịch sử sinh tồn và phát triển”.
Hội Mường Đòn diễn ra hàng năm đã trở thành nhu cầu thực sự của nhân dân Mường Đòn và mỗi người dân Thành Mỹ, Thạch Thành ngày nay. Muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, việc bảo vệ những sắc thái văn hóa truyền thống luôn luôn phải gắn với phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian đích thực của một vùng quê cụ thể. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của người Mường trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành của tỉnh ta đã và đang góp phần xây dựng nền văn hóa Việt - Mường thêm phong phú, đa dạng.
Lễ hội Mường Đòn là một trong những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số mà nhân dân Thạch Thành còn gìn giữ, nó không chỉ cần nhân dân vùng Mường, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Thạch Thành bảo tồn, phát huy mà cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng tỉnh ta để lễ hội góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường và thúc đẩy du lịch các huyện miền núi phát triển.
Du lịch, GO! - Theo báo Thanh Hóa, ảnh internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét