Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Bánh giò

Có những món ăn ngon được giấu dưới lớp vỏ bọc tầm thường, thậm chí khi lột lớp vỏ bọc ấy ra thì trông chúng cũng chẳng hấp dẫn chút nào. Đơn cử chiếc bánh giò, sản phẩm của đồng bằng Bắc bộ.

Các món ăn Việt, nhìn chung, luôn được trình bày khá bắt mắt thực khách nhờ có nhiều màu sắc: ví dụ đơn giản nhất là màu xanh của rau, màu đỏ của ớt, màu nâu của những lát thịt trên cái nền trắng tinh của đĩa cơm hay tô phở.

Nhiều món ăn khác màu sắc còn phong phú như một kính vạn hoa. Đi cùng màu sắc là hương và vị.

Bánh giò ăn kèm với giò bò


Chiếc bánh chưng được gói vuông vức với lá dong xanh biếc, lạt buộc ngay ngắn chỉnh tề; sau lớp lá là một khối bánh đầy đặn, khi cắt ra phần nhân đậu, thịt nằm giữa lớp nếp thoạt trông đã muốn ăn; trong khi đó bên ngoài cái bánh giò là lớp lá chuối luộc đã xẫm màu trông bèo nhèo, khi bóc ra phần bánh cũng không thẩm mỹ hơn là bao.

Thế nhưng đó là một món ăn ngon, bổ dưỡng – một biến thể của bát cơm hay xôi với thức ăn đi kèm, tiện lợi cho người ăn, không cần phải nấu nướng nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng.

Được làm bằng bột gạo có pha chút bột nếp, nhân bánh giò là một hỗn hợp của thịt heo, mộc nhĩ, hành khô, tiêu, muối…, gần đây có cả trứng cút. Bánh giò thường được bán khi còn nóng hổi, như vậy ăn mới ngon.

Không gì bằng sáng sớm trời rét được ăn bánh giò nóng, miếng bánh mềm mại như tan ra trong khẩu cái, có vị béo của thịt nạc vai, thoảng vị thơm của hành, tiêu, có chút giòn sần sật của mộc nhĩ.

Bánh giò chín vừa vớt ra

Nhiều hàng quán ở Hà Nội còn bán bánh giò cùng với giò lụa, giò bò hay chả quế. Một đĩa bánh giò “chất lượng cao” như thế giúp bụng no cho tới bữa trưa.

Ở Lạng Sơn còn có loại bánh giò gấc rất đặc biệt. Cũng được làm với các nguyên liệu giống như bánh giò vùng xuôi, nhưng gạo để xay thành bột làm bánh giò gấc được trộn với gấc chín; khi bóc lớp lá chuối bên trong là một khối ba góc đỏ hồng, đẹp hơn hẳn chiếc bánh giò thông thường.

Trong tuyệt phẩm Hà Nội ba mươi sáu phố phường, khi đề cập đến “những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng”, Thạch Lam kể: “Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò, Lim có bánh lam, Ghềnh có bánh dài và chả nướng, Quán Gánh có bánh dầy tròn, Nam Định có bánh bàng, Hải Dương có bánh đậu… Những thứ quà ấy nơi thì còn giữ được vị ngon như cũ, nơi thì chỉ có cái tiếng không”.

Bánh giò thôn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) nay cũng chỉ còn trong ký ức…

NAM GIAO

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét