Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Hoang sơ Ngũ động Bản Ôn

Chuyện kể lại rằng, sau cơn lũ lịch sử năm 2006 ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), những người dân tộc sinh sống ở nơi đây đã khám phá ra hệ thống 5 hang động – địa danh Ngũ động Bản Ôn hiện nay.

Mặc dù đã có tên trong số những điểm đến của Mộc Châu nhưng do địa hình và việc chinh phục còn khá khó khăn với khách du lịch nên Ngũ động Bản Ôn vẫn giữ trọn vẹn nét đẹp như thuở sơ khai.

Trong những hành trình rong ruổi khám phá những vùng đất mới, chúng tôi đã tìm đến Ngũ động trong một ngày rực nắng ấm áp…

Đường vào Ngũ động, chúng tôi như chìm đắm trong vẻ đẹp thơ mộng của những đồi chè xếp tầng lớp tựa như những cơn sóng xanh dịu dàng trong ánh nắng buổi sớm của miền cao nguyên. Những con đường uốn cong mềm mại đi qua những đồi chè như những dải lụa mềm mà ai đó vô tình đánh rơi khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp yên bình nơi đây.

Dù đến Ngũ động Bản Ôn vào mùa nào chăng nữa thì khách du lịch cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của muôn loài hoa. Hoa dã quỳ vàng rực, hoa trạng nguyên thắm đỏ và choáng ngợp trong đồi hoa cải trắng chạy dài mê mải hay co ro trong cái giá rét khi mùa đông về để đắm mình trong những rừng hoa mai, hoa mận nở trắng rừng.

Có một dân “phủi” chuyên lọ mọ xách máy ảnh đi tác nghiệp đã phải thốt lên rằng “tôi đã có bức ảnh đẹp tuyệt vời khi bắt được cảnh tượng thung lũng mây trắng kết từ hàng ngàn, hàng vạn những bông hoa mai, hoa mận trắng xóa vào một ngày xuân kỳ diệu ở Ngũ động Bản Ôn”.

Do chưa được đầu tư dịch vụ nên các hoạt động kinh doanh, hướng dẫn du khách tham quan hoàn toàn do một vài hộ dân sinh sống trong khu vực tự phát. Đường đi khá nhỏ, ngoằn nghèo với đủ các loại cây cỏ mọc san sát hai bên. Không gian yên ắng đến nỗi chúng tôi có thể nghe rõ tiếng bước chân mình xào xạc trong lá.

Quần thể Ngũ động gồm 4 động chính nằm trên một quả đồi. Riêng động 4 nằm độc lập phía bên tay trái đi khá xa mới tới nên cũng ít du khách lựa chọn. Nếu muốn khám phá hết các hang động thì phải dành ra cả một ngày trời vì bạn mất khá nhiều thời gian để leo trèo và di chuyển trên những con đường xuyên rừng dốc và hẹp. Chỉ có duy nhất một căn nhà nhỏ nằm ngay trên đường lên động.

Theo cô bé dẫn đường, ngôi nhà này do bà con dân tộc sử dụng để nghỉ ngơi khi chăn thả gia súc trên núi. Đây cũng là trạm dừng chân lý tưởng cho những ai đã bắt đầu thấm mệt sau khi khởi hành được phân nửa chặng đường lên động.

Trong rừng còn khá nhiều những cây thân gỗ lớn cần đến vài vòng tay người ôm mới xuể tỏa bóng râm mát. Những thân dây leo to lớn xuất hiện bất ngờ khiến chúng tôi đôi lúc cũng phải giật mình cứ ngỡ là những chú rắn xanh đang cuộn mình nghỉ ngơi sau bữa ăn căng tròn. Chân chùn và thấm mệt khi đi xuyên rừng nhanh chóng bị xua tan bởi cảm giác thư thái, sảng khoái khi ai nấy tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của khu rừng nguyên sinh rợp bóng cây.

Cuối cùng chúng tôi đã đến được cửa động 3. Cảm nhận đầu tiên là bất ngờ và ngạc nhiên. Không có biển thông báo, cửa động khá nhỏ chỉ đủ lọt cho từng người vào một. Bên ngoài, người dân sử dụng một tấm gỗ thay cho chiếc cửa động.

Trong động tối om nên chúng tôi phải dùng đèn pin và mò mẫm đi lại. Động khá rộng và sâu. Những chiếc thang gỗ được dùng để đi lại tham quan lòng động khá cũ kỹ và nhiều chỗ mối mọt nên cần rất thận trọng khi sử dụng chúng. Nhũ đá trong hang nhiều vô kể với đủ loại hình dạng, tuôn chảy như suối. Dường như sau một thời gian dài ngủ quên, vẻ đẹp ấy đã được đánh thức và phô bày.

Có thể nói hệ thống Ngũ động đều có khá nhiều nhũ đá đẹp, ấn tượng. Tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về hình dáng nhũ đá tạo thành như một đám mây bồng bềnh, một con thú hay một hình dáng người phụ nữ...

Tuy xuất hiện dưới ánh đèn pin leo lét của chúng tôi, nhưng những khối nhũ đá vẫn hiện lên lung linh, bí ẩn. Quả thật, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho các Ngũ động những tặng phẩm nhũ đá tuyệt đẹp kết tinh từ ngàn năm.

Có nhiều góc khuất trong động khá đẹp nhưng nguy hiểm vì thiếu hệ thống chiếu sáng nên chúng tôi không ai dám mạo hiểm. Trong thời gian tới, nếu được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp thì Ngũ động chắc chắn sẽ thu hút không thua kém gì những hang động nổi tiếng trong cả nước.

Muốn đến ngũ động: hãy là người thích phiêu lưu, khám phá. Khi đi hãy chuẩn bị đèn pin (thuê mất 10k, ngày đông khách khó kiếm); trang bị dày dép, quần áo, cả các loại dầu, thuốc chống muỗi, côn trùng đốt; hãy mang theo đồ ăn (nhớ không bỏ rác trong động) và đừng quên mang theo máy ảnh, camera để ghi lại những khoảnh khắc đẹp...

Thích khám phá hết Ngũ động, khách du lịch cần trang bị sức khỏe thật tốt để đương đầu với những đoạn đường rừng dốc, trượt. Sau những vất vả của hành trình, bạn sẽ được tưởng thưởng vẻ đẹp diệu kỳ của nhũ đá, được hòa mình trong tự nhiên để lắng nghe âm thanh trong vắt của tiếng chim hót hay thích thú ngắm đàn bướm đầy sắc màu bay lượn rập rờn trên những cánh hoa ngũ sắc.

Ngũ động sẽ càng tuyệt đẹp khi những khu vườn mận ven đường vào mùa ra hoa, kết trái. Còn gì thích thú hơn sau khi kết thúc hành trình, bạn có thể thư thái ngồi nghỉ mát dưới bóng râm và ngắm nhìn những cánh hoa mận trắng tô điểm cả không gian núi rừng khoáng đạt và bao la.

Du lịch, GO! - Theo Làng Việt và nhiều nguồn thông tin - ảnh khác
Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét