Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Dinh Đức Cố quản Trần Văn Thành

Dài theo con đường Lộ tẻ Tri Tôn, hỏi thăm dinh Trần Văn Thành, chẳng một người nào biết... nhưng khi nói dinh Đức Cố quản thì hầu như cả em bé cũng nhanh nhảu chỉ dẫn đường một cách tận tường.

Để đến dinh Đức Cố quản Trần Văn Thành (ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), chúng tôi đến cầu số 5 trên Lộ tẻ Tri Tôn, qua chiếc cầu treo do người dân “tự chế”. Từ đó đi khoảng 10 cây số là thấy một dinh cơ nguy nga, đồ sộ. Dinh tọa lạc trên diện tích 1 hecta, nằm giữa một vùng ruộng lúa xanh mướt. Trước dinh là con kinh 16, đào năm 1994 nhằm dẫn nước tưới tiêu ruộng lúa và là đường giao thông thủy cho bà con. Hai bên hông dinh trồng một số cây bảy thưa.

Ông Nguyễn Văn Sanh, sinh năm 1952, thư ký thường trực kiêm bảo vệ dinh, cho biết nơi đây xưa kia là rừng rậm hoang vu, sình lầy, mọc toàn cây bảy thưa. Cây bảy thưa vốn có tên gọi là “trác thưa”, “cát thưa” hay gọi tắt là cây thưa. Vì đây là bãi đất rộng lớn mọc toàn loại cây nầy nên dân gọi “bãi thưa”, lâu ngày, nhất là về mặt chính tả, người Nam bộ viết là “bảy thưa”. Ông Sanh kể dinh nầy thành lập từ năm 1946, khi đó Đức Cố quản đến đây lập đồn quy tụ những người yêu nước chống Pháp, gọi là đồn Bảy Thưa.

Theo sử, Trần Văn Thành, quê ấp Phú Bình (cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông (Phú Tân, An Giang). Năm 1840, Nặc Đôn ở Chân Lạp dựa thế lực Xiêm La cướp ngôi hoàng huynh Nặc Chân, xúi người Khmer Nam kỳ nổi dậy. Để bảo vệ biên cương, Minh Mạng chiêu binh tăng cường quân lực. Trần Văn Thành đầu quân, do có võ nghệ và năng lực chỉ huy nên được bổ làm suất đội. Đánh với giặc hơn 30 trận quanh vùng Thất Sơn, ông thu phục được hai tướng Chân Lạp là Thạch Vôi và Àcha Xoa (Thạch Bướm), phá vỡ âm mưu chia rẽ Việt - Chân Lạp của Xiêm nên được thăng chức chánh quản cơ. Yên giặc, giải ngũ, ông làm ruộng, vận động bà con khai phá đất hoang.

Năm 1851, Phật Thầy Đoàn Minh Huyên, giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương, bị Pháp buộc tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc), Trần Văn Thành là một trong hai đại đệ tử của Phật Thầy. Phật Thầy tổ chức bốn đoàn khẩn hoang, đoàn thứ nhì do Trần Văn Thành chỉ huy đến vùng Láng Linh.

< Đền thờ Tổ quốc và đền Long, đền Phụng.

Năm 1867 (có tài liệu ghi 1872), Quản cơ Thành phất cờ khởi nghĩa đánh Pháp, lấy hiệu là binh Gia Nghi, lập căn cứ ở vùng Láng Linh - Bảy Thưa, nên có tên gọi căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa, còn có các tên gọi khác như Sơn Trung, Hưng Trung... Bên cạnh Đức Cố là bà cố Nguyễn Thị Thạnh (1825-1899), quê rạch Sa Nhiên (Tân Quy Đông, Sa Đéc). Là một phụ nữ am tường, lão luyện cả văn lẫn võ, Bà Cố và các con, cùng Đức Cố hoạt động tích cực về các mặt tôn giáo, khẩn hoang lập ấp và chống Pháp.

Để phục vụ nghĩa binh chiến đấu, ngoài việc canh tác, Đức Cố còn lập đồn Lương, cách dinh Đức Cố hiện nay khoảng 3 cây số đường chim bay về phía Tri Tôn. Đồn Lương (Nam Long tự) là gò đất cao hơn mặt ruộng nửa thước, hiện nay là dinh Đá Nổi (ấp Bình Tây, xã Bình Phú, Châu Phú, An Giang).

< Đền thờ di tích lò rèn.

Bà Phạm Thị Lạc, 61 tuổi, hiện trông coi dinh, kể rằng trước năm 1945 khi khai hoang người ta bắt gặp nhiều chén dĩa bể, kèo cột... Chính vì vậy mà người ta nghi đây là đồn Lương của Đức Cố quản. Nhiều năm trước, tại một thửa ruộng gần dinh có mấy tảng đá từ dưới đất trồi lên, đến nay vẫn còn, nên người ta gọi đồn Lương là dinh Đá Nổi.

Tọa lạc trên khu đất rộng 5 công, dinh Đá Nổi ẩn trong bóng mát cổ thụ, bằng gạch ngói đang xuống cấp trầm trọng, đang có kế hoạch xây dựng lại từ số tiền của bá gia bá tánh. Năm 2009, đã cho xây chiếc cầu từ ngoài đường bắc trên thửa ruộng vào đây, dài 180 mét, ngang 2,2 mét, cao từ mặt ruộng 2,5 mét với chi phí trên 430 triệu đồng. Từ ngoài xa nhìn vào dinh thấy chiếc cầu như con rồng lượn trên mặt ruộng xanh màu lúa non. Hằng năm, vào ngày 21 và 22 tháng Hai (âm lịch), dinh Đá Nổi tổ chức cúng chính Đức Ông, cùng ngày với tổ chức cúng chính Đức Cố ở dinh Đức Cố quản.

< Bàn thờ chính trong dinh Đức Cố quản.

Thuở xưa, căn cứ Bảy Thưa là khu đất hoang vu bí hiểm, tinh thần chiến đấu của nghĩa binh dưới sự chỉ huy của Đức Cố rất cao. Theo tài liệu của Pháp, Quản cơ Thành đã cắt từng lọn tóc của mình phát cho nghĩa binh, như một phép mầu, để họ chiến đấu hăng say. Pháp đánh phá căn cứ nhiều lần, mất nhiều khí tài và binh sĩ, nên sai Tôn Thọ Tường mang thư chiêu dụ ông, nhưng không thành công.

Tháng 3-1873, chúng sử dụng hai cánh quân tấn công căn cứ, nghĩa binh chống cự quyết liệt. Cuối cùng, ngày 19-3-1873 (21-2 âm lịch), cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại hoàn toàn. Đức Cố Quản “vắng bóng”, không biết đi đâu. Từ đó xuất hiện câu ca dao: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều / Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”, ông Sanh nhấn mạnh: “Câu nầy ám chỉ Đức Cố, vì Đức Cố lúc nào cũng bận áo trắng và vắt trên vai chiếc khăn điều”. Câu này nhằm nói hàng vạn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn luôn kỳ vọng ngày Đức Cố trở về.

Vào năm 1946, di tích căn cứ Bảy Thưa là một đồn lũy được tạo dựng bằng vật liệu nhẹ. Năm 2004, dinh được xây dựng kiên cố, uy nghi, khang trang và mỹ thuật bằng tiền bá tánh trên nền đất đồn xưa. Bảng chính dinh ghi: “Khu di tích / Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa / Dinh Quản Cơ 1867-1873”, thường gọi dinh Đức Cố quản hay dinh Đức Cố.


< Trụ thẻ.

Vào cổng, qua khoảng sân lót gạch men rộng, là đình Sơn Trung. Từ sân đình ra ao sen có hai chiếc cầu: cầu Long và cầu Phụng, dẫn đến một số kiến trúc đáng chú ý, gồm đền Long (diện tích 9m2) thờ Lạc Long Quân; đền Phụng (7m2) thờ Âu Cơ; đền thờ Tổ quốc thờ Bác Hổ ở giữa (9m2). Các con số 7 và 9 hàm ý “Thất Sơn” và “Cửu Long”. Đặc biệt trong khu nầy còn có đền thờ di tích Lò Rèn (20m2), tạc 5 tượng nghĩa binh đang ra sức rèn đúc khí giới cho nghĩa binh. Hiện tại còn một số vụn sắt và vật dụng làm rèn của nghĩa binh chưng trong tủ kiếng.

Tại đền Phụng, các ông trong ban thư ký dinh chỉ cho chúng tôi xem trụ thẻ và cho biết: Phật Thầy nhận thấy Thất Sơn là chỗ địa linh, có nhiều nơi kết tụ mạch long huyệt chờ ngày khai mở. Sợ các thầy địa lý Tàu trấn ếm, nên Phật Thầy giao Đức Cố trọng trách cắm các trụ thẻ để trấn ếm phòng tránh... Trong tủ kiếng đền Phụng có trụ thẻ màu nâu đỏ, cao khoảng bốn tấc, ngang chừng 3 đốt ngón tay, bên trên đậy tấm trần điều. Còn một trụ thẻ khác màu đen, dài khoảng 6 tấc, như một khúc gỗ nhỏ bằng cườm tay đã cắt bỏ cành nhánh, trên đầu có khắc con số 1861.

< Bàn thờ hai ông bà Quản Cơ Trần văn Thành tại Bửu Hương Tự.

Theo các ông trong ban thư ký dinh, trụ thẻ nầy ở dưới khu đất nầy trồi lên trong đêm mùng 7 tháng 11 năm Canh Dần (2010). Cũng trồi lên từ dưới đất, vào đêm mùng 9 tháng 5 năm Canh Thìn (2000), là hai tảng “đá” xù xì, đoán được đúc kết bằng ô dước, vôi và đường chảy. Hai tảng đá nầy được tín đồ cho là một âm và một dương, chưng bên dưới hai trụ thẻ, chưng trong tủ kiếng. Toàn khu Ao Sen rộng 1.500m2 đang được ông Nguyễn Văn Vui (người Thốt Nốt, Cần Thơ) thiết kế và chỉ huy xây dựng, bằng số tiền bá tánh hỷ cúng. Trong tương lai sẽ xây đền thờ Hùng Vương để nhân dân đến chiêm bái.

Trong dinh, nơi bàn thờ Đức Cố, có bức tượng một người đang tuốt gươm, trông rất uy dũng, nhưng không phải tượng Đức Cố. Bức tượng này do một tín đồ dâng cúng, có lẽ muốn tôn vinh ý chí quật cường của nghĩa binh Bảy Thưa (?).

Đáng chú ý là trên bàn thờ có một cặp kiếm và một chiếc ấn. Ông Sanh nói ấn do Phật Thầy ban cho Đức Cố lúc đến đây phá rừng để không bị sơn lam chướng khí gây hại. Còn cặp kiếm dài khoảng 1,8m, bề ngang khoảng ba ngón tay, nặng chừng 7kg, bằng thép đen, bén ngót, của Đức Bà Nguyễn Thị Thạnh. Đức Cố chỉ sử dụng thanh long đao.

Trong dinh còn có mũi chiếc ghe ngày xưa Đức Cố di chuyển. Tất cả những hiện vật nầy đều mang nét huyền bí. Các ông trong ban thư ký đều nói cặp kiếm nếu mở ra bất thường, người mở sẽ bị hộc máu. Còn mũi ghe nhiều người nói mài uống hết bịnh, nên bổn đạo bẻ từng miếng nhỏ đem về... Cho nên các thư ký dinh quyết định cho tất cả các hiện vật vào trong hộp kiếng...


< Dinh Đá Nổi.

Từ một nhân vật lịch sử gắn với huyền thoại mang màu sắc thần thánh nên Quản cơ Trần Văn Thành không thể chết. Sự ra đi bí ẩn của ông được báo Le Courier de Saigon, số ra ngày 05-4-1873 cho biết: quân Pháp tiến đánh đại bản doanh Hưng Trung ngày 20-3-1873 (ngày 21 tháng 2 năm Quý Dậu), đến tối chúng tràn vào đồn gặp 10 xác nghĩa quân hy sinh, 5 người bị thương, bắt thêm 13 chiến sĩ khác chưa kịp rút lui. Bài báo không hề nói đến việc Quản cơ Thành bị bắt hay bị giết. Vì vậy, ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm được chọn làm ngày hội truyền thống dinh Đức Cố quản Trần Văn Thành. Người ta kiêng kỵ, không gọi ngày giỗ vì Đức Cố chỉ “vắng bóng”.

< Tượng đài Quản cơ Trần văn Thành trước UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Lễ hội nầy hằng năm thu hút khoảng 5.000 lượt người khắp nơi đến dự. Ngoài các nghi thức long trọng như học trò lễ cúng tế, phục dựng hình ảnh đội nghĩa binh, đội kèn, đặc biệt, lúc 12 giờ đêm 21 lấy cặp kiếm ra lau chùi cẩn trọng. Trong đêm nầy còn có đoàn cải lương biểu diễn phục vụ bà con. Hằng ngày, dinh Đức Cố Quản tiếp khoảng 100 khách; các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ đông hơn, khoảng bốn, năm trăm khách. Khách đến dinh đều được mời dùng bữa cơm chay và có nơi nghỉ ngơi khá chu đáo.

“Quản cơ Trần Văn Thành gắn liền tên tuổi với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa tại An Giang, là một nhân vật mà trong chính sử dân tộc chưa bao giờ nói đến.

Phải chăng cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa so với các cuộc khởi nghĩa đương thời qui mô nhỏ, tầm vóc và phạm vi hẹp nên thiếu tài liệu? Người viết chính sử ở ta chưa tìm hiểu tới, chưa nghiên cứu một cách toàn diện?”, nhà nghiên cứu Võ Thành Phương (An Giang) băn khoăn. Nhưng, dù gì thì từ hàng bao năm nay, Đức Cố quản Trần Văn Thành vẫn là một “chiến sĩ - thánh thần” được nhân dân cả vùng Thất Sơn kính trọng tôn thờ, không dám gọi tên, chỉ nói một cách tôn kính là “Đức Cố quản”.

• Bài viết có tham khảo một số tham luận trong tập “Kỷ yếu Hội thảo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú”, do Phòng VH-TT huyện Châu Phú xuất bản, tháng 4-2010.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes, internet
Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét