Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Dập dìu làng biển Định An

Thị trấn Định An nay và làng cá biển Định An xưa, được biết như một làng biển lâu đời bởi mùi nắng gió mằn mặn hòa lẫn mùi cá biển hăng hắc rất đặc trưng của cá phơi khô, của những tay lưới đang phơi trước cửa nhà ngư dân và cả mùi tanh của cua, ghẹ, cá tươi ở những điểm thu mua, sơ chế biến thủy, hải sản.

Hiện, thị trấn Định An được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất của khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh với số lượng cung cấp hàng chục ngàn tấn cá, tôm, mực, ghẹ... mỗi năm. Mỗi ngày, Trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng Định An đã tiếp nhận kiểm tra, kiểm soát cho hàng chục, hàng trăm lượt tàu cá ra vào.

Cảng cá Định An nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam, nằm ở vị trí phức tạp gần vàm Láng Sắc, bến đò ngang Định An – Long Vĩnh, luồng tàu biển kênh Quan Chánh Bố, hàng ngày có tới gần trăm lượt tàu vào cảng, tiêu thụ hàng trăm tấn hải sản tươi sống.

Từ biển về, hàng cao giá nhất chính là mực. Nhiều loại mực như mực nang, mực tua, mực ống, mực lá... Đắt nhất là mực lá. Giá tại bến đã hơn 90.000 đồng/kg. Để tiết kiệm nước đá, nếu trúng mực ống, mực lá, thì bạn tàu tranh thủ sẻ ra phơi trên boong. Có lúc thu được vài trăm kí mực khô, rất giá trị.

Chiếc ghe cào 70 tấn của ông Nguyễn Công Đức, trong đoàn ghe 12 chiếc của ông, vừa về đến cảng cùng 3, 4 chiếc khác. Các bạn ghe (có người gọi bạn tàu) đang tất bật chuyển cá lên bờ... Hôm nay, hầu hết các ghe về bến đều trúng đậm, các khoang hầm đều đầy ắp các loại cá, ghẹ, mực... Các bạn ghe cho biết, chuyến này ghe cào của các anh thu được khoảng 900 triệu đồng. Trừ chi phí dầu, nước đá và lương bạn tàu - tức là 14 thuyền viên theo giúp việc, nhà ghe còn lãi được khoảng gần 100 triệu đồng.

Ra khơi hàng tháng trời mới trở về đất liền mà trúng đậm, lãi cao, ai cũng vui. Tất nhiên, đó là những đợt đánh bắt trúng mùa. Còn những khi trời chuyển mùa, trở gió... tàu về không, thì chịu lỗ vài trăm triệu đồng cũng là chuyện bình thường... Trong nghề, ai cũng chịu lỗ như vậy. Chuyện làm ăn, có khi gặp rủi ro mưa bão, tàu về không cũng phải chịu, làm nghề hạ bạc này, khi trúng nhiều bù lại khi thất bát. Đó cũng là chuyện bình thường...

Ông Nguyễn Văn Chải, ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - chủ đội ghe Hiệp Thành gồm 6 chiếc, trị giá hơn 10 tỉ đồng. Ông cho biết, nghề ghe cào biển của gia đình ông có từ thời ông Nội, còn ông theo nghề này từ năm 18 tuổi, đến năm 40 tuổi thì giao cho con trai lớn 4 chiếc. Hiện vợ chồng anh và đứa con út quản lý 2 chiếc.

Đến cảng cá Định An vào đúng dịp ghe, tàu cập bến sau chuyến đi biển, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tất bật của bà con khi vận chuyển, thu mua hải sản. Những cần xé đựng đầy các loại hải sản vun đầy được ướp đá tươi rói như: ruốc, mực, tôm, ghẹ, cá các loại... được ngư dân kéo từ dưới khoang tàu lên bờ xếp dài chờ thương lái thu mua; sau khi được phân loại, phần lớn các loại hải sản được xếp vào thùng xốp, đưa lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Một phụ nữ đang lựa cá cho biết: Mỗi ngày chị ra cảng lựa, phân cỡ cá, tôm cho chủ vựa kiếm được hơn 80.000 đồng, cùng với thu nhập của người chồng đi “bạn” cho một ghe cào đôi, thu nhập khoảng vài triệu đồng/tháng, gia đình chị đủ sống; ngoài ra, lao động nữ ở thị trấn Định An còn có việc làm là sơ chế hải sản ở những điểm thu mua, chế biến cua, ghẹ, cá và con ruốc trong thị trấn, có thu nhập tương đối ổn định.

Có chiếc ghe “cào đôi” loại 200 tấn, một cặp ghe trị giá trên 6 tỉ đồng... Bây giờ đánh bắt hiệu quả hơn nên chủ ghe muốn đóng lớn, tính bằng sức chứa nước đá... như mấy chiếc này, chứa đến 1.500 cây đá, đi dài ngày hơn, chứa cá ướp đá được nhiều hơn, hiệu quả chuyến đi sẽ cao hơn...

Người dân Định An gọi “đôi tàu” là vì: ghe cào đôi có một chiếc “đực” và một chiếc “cái”. Chiếc “đực” nhỏ hơn rất nhiều, chỉ có tài công và một thuyền viên, làm nhiệm vụ giữ một đầu lưới... Còn chiếc ghe lớn này là ghe “cái”. Chở bạn tàu, ngư cụ và có hầm lớn trữ nước đá ướp cá sau khi đánh bắt...

Chuyện đầu tư một đôi ghe cào của ngư dân Làng biển Định An, trị giá trên 6 tỉ đồng bây giờ là chuyện bình thường. Nếu được đầu tư tốt, tài công có tay nghề giỏi... thì chuyện thu hồi vốn chỉ cũng trong vài mùa ra khơi trúng đậm. Vì vậy mà dọc theo bờ rạch này có khá nhiều ghe cào lớn đang đóng mới với công suất hàng ngàn mã lực mỗi chiếc...

Anh Trang Văn Ngào - Phó chủ tịch UBND thị trấn Định An cho biết: Thị trấn Định An hiện có 168 tàu khai thác thủy sản; trong đó, có 56 tàu có công suất từ 400 mã lực trở lên.

Dựa theo nguyên tắc “3 cùng” (cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa bàn cư trú), đa phần các tàu khai thác xa bờ đều liên kết với nhau hoạt động theo tổ, đội. Các tổ, đội này hoạt động theo nội quy, quy chế cụ thể trong các họat động khai thác thủy sản trên biển như hỗ trợ nhau phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, giữ vững an ninh vùng biển; đặc biệt là trong việc tìm kiếm ngư trường, tiếp tế nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm... góp phần tăng sản lượng, giảm chi phí mỗi chuyến đi biển khoảng 20-25%.

Hoạt động đánh bắt, chế biến thủy hải sản ở Làng biển Định An là điều kiện để hoạt động các dịch vụ nghề cá như: sửa chữa tàu, ghe, cung cấp dầu, nước đá... cũng như hoạt động thương mại – dịch vụ ở đây phát triển, góp phần giải quyết hàng ngàn lao động địa phương và ở nơi khác đến.

Chính vì vậy, từ một làng biển truyền thống với cư dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản, đến nay, thị trấn Định An đã phát triển vươn lên với vóc dáng của một đô thị vùng biển, với những dãy phố san sát, những cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế hải sản, kinh doanh ăn uống nhộn nhịp...
Nhờ vào nghề đi biển mà đời sống của ngư dân nơi đây đã có nhiều sự thay đổi, cuộc sống khấm khá hơn.

Du lịch, GO! - Theo Trần Trọng Triết (báo Giao Thông Vận Tải), internet
Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét