Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Bản Dao giữa thung mây

Cà Đơ là một bản hẻo lánh nhất của xã Lam Vỹ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)), cách trung tâm xã khoảng 8km, tuy không xa lắm nhưng đường về Cà Đơ rất khó đi.

Đi xe máy phải mất gần một tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, đánh vật với những con dốc dựng đứng, đến giữa lưng chừng núi mới thấy bản Cà Đơ thấp thoáng trong thung lũng giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi.

< Đường lên bản Cà Đơ.

Đứng ở lối đi, cúi xuống chạm khe nước thăm thẳm, ngửa mặt thấy mây mờ phủ lãng đãng, những vách núi đá dựng ngược lơ thơ cây cỏ, đang giữa trưa mà ánh mặt trời bị che mất một nửa, chúng tôi nhận ra mình đã đến địa phận bản Cà Đơ.

Nơi đây, có 15 hộ dân với gần 60 nhân khẩu hầu hết là đồng bào Dao, dù trình độ dân trí chưa cao, cái nghèo còn đeo đẳng, nhưng giấc mơ về một cuộc sống tươi sáng của đất và người Cà Đơ đang dần thành hiện thực...

Giấc mơ đang thành hiện thực

Cô sơn nữ trẻ người Dao có cái tên rất đẹp Triệu Hương Mơ ửng đỏ gò má khi biết chúng tôi sẽ đi cùng lối với em về bản. Hương Mơ năm nay vừa tròn 20 mùa rẫy, xinh như bông hoa ban đầu mùa và là một trong số rất ít thanh niên của bản Cà Đơ được học đến lớp 12, được ra thành phố học cao đẳng để về làm cô giáo. Em bảo cái bản em ở xa nhất xã Lam Vĩ, dù chỉ cách trung tâm gần 8km nhưng lối lên, lối xuống phải lội qua gần 10 con suối, vượt 14 con dốc. Hôm chúng tôi lên bản, cũng may là trời nắng, đường đã được trải cấp phối nhưng vẫn tung bụi mù mịt, xe máy cài số 1 bò chậm như đo từng mét.

Hương Mơ bảo, tính đến thời điểm đầu năm 2013, đời sống của bà con Cà Đơ vẫn chủ yếu dựa vào canh tác nông, lâm nghiệp nên còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới hơn 75%. Khó khăn nhất đó là tình trạng các hộ sống tách biệt, mỗi mái nhà sàn ở một khoảnh, rải rác và phân tán dọc theo dòng chảy của con suối.

< Cuộc sống của bà con Cà Đơ đang thay đổi từng ngày.

Ông Mông Đình Cường - Chủ tịch UBND xã Lam Vĩ chia sẻ: “Tình trạng sống phân tán của đồng bào Dao ở bản Cà Đơ đã tạo ra không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đường giao thông từ bản xuống trung tâm xã dù đã được đầu tư mở rộng, trải cấp phối, nhưng cũng chỉ dễ dàng đi lại khi trời nắng, do đó công tác giao thương cũng bị hạn chế nhất định. Chính quyền xã đang trình với cấp trên kế hoạch tiếp tục nhựa hóa toàn bộ con đường liên bản về Cà Đơ và hy vọng một ngày không xa, ô tô sẽ vào được tới tận đầu nhà sàn của bà con...”.

Điện đã sáng bản nghèo

Bản Cà Đơ đến nay vẫn đa phần là những mái nhà lụp xụp tường đắp vắt, duy có 2 ngôi nhà xây nằm uy nghi ngay đầu bản, cạnh lối đi vào do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngôi nhà thứ nhất có diện tích 36m2 là khu lớp học dành cho trẻ em trong bản và ngôi nhà thứ 2 được xây tặng cho cô giáo Trương Thị Huyên- cô giáo duy nhất của bản.

Chúng tôi vào thăm lớp học. Mới hoàn thiện được vài năm nhưng công trình đã bắt đầu xuống cấp. Khác hoàn toàn với những lớp học miền xuôi, lớp học của bản Cà Đơ có tới 2 chiếc bảng đen treo ở 2 đầu phòng học, mỗi chiếc đều được kẻ phân ra làm 2 phần bằng nhau. Bàn ghế 2 dãy: Dãy ngược, dãy xuôi tức đầu lớp học này là cuối của lớp học khác.

“Một cái lớp ấy gồm 4 bậc học đấy, trong đó lớp 5 chừng 4 cháu, mẫu giáo khoảng 3 cháu, lớp 2 có 2 cháu và chỉ có 1 đứa lớp 3... Do cuộc sống còn thiếu thốn nhiều nên đa phần trẻ con không ham học mà chỉ thích vào rừng chặt măng, hái rau thôi, tôi phải đi vận động các gia đình vất vả lắm...” - cô giáo Huyên tâm sự.

Cô Huyên là giáo viên duy nhất bám bản kể từ cái ngày lớp học bằng cây que, nứa lá được mở bên bờ suối. Học trò của cô đa dạng về độ tuổi và rất “phong phú” về trình độ, có cháu đủ điều kiện để đi học trung cấp, cao đẳng nhưng cũng có cháu mới bắt đầu làm quen cùng chữ cái. Hễ cháu nào có chữ ở lớp nào thì xếp vào lớp đó, một mình cô chịu trách nhiệm giảng liền một lúc cho học sinh của cả 4 lớp trong cùng một phòng học. Khi bàn bên này học văn, tập đọc thì bàn dãy bên kia làm toán hoặc viết chính tả.

“Em luôn nghĩ cô Huyên là giáo viên giỏi nhất nước vì chẳng có trường sư phạm nào có thể đào tạo được một nhà giáo giảng dạy độc đáo như cô. Em và một vài bạn khác cũng đã trưởng thành nhờ sự dạy dỗ của cô Huyên...” - Đôi mắt của sơn nữ Hương Mơ ánh lên khi “khoe” về cô giáo của mình.

< Ông Park SunJong, Giám đốc Tổ chức hiệp hội giao lưu nhân đạo quốc tế của Hàn Quốc “CFIE” tại Việt Nam, trao thiết bị chiếu sáng cho nhân dân bản Cà Đơ.

Bà con người Dao ở Cà Đơ còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về một kỷ niệm, một dấu mốc đáng nhớ của bản nghèo này, đó là dịp tháng 2.2012 khi chính quyền và Tổ chức Hiệp hội giao lưu nhân đạo quốc tế của Hàn Quốc (CFIE) về tặng giàn pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho từng gia đình. Hôm ấy cả bản bỏ hết việc để đi xem các cán bộ kỹ thuật khảo sát, lắp đặt các thiết bị và khi bóng điện trong từng mái nhà sàn được thắp sáng thì mọi người đều reo lên sung sướng, vì ước mơ từ bao đời nay đã trở thành hiện thực.

Theo kế hoạch, hộ đầu tiên triển khai thí điểm được tặng một giàn pin hấp thụ năng lượng mặt trời, ắc-quy nạp điện, một bộ đầu chảo thu tín hiệu truyền hình và một tivi, một đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời; các hộ còn lại được tặng đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời (tổng giá trị các thiết bị này là trên 100 triệu đồng). Tiếp đó các hộ sẽ được lắp đặt toàn bộ hệ thống như trên để tất cả đều có điện để sử dụng.

Có điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất sẽ là những bước khởi đầu quan trọng góp phần mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của đồng bào Dao bản Cà Đơ. Bản đã có điện thắp sáng tức là đã bước đầu xóa đi cái tăm tối mịt mù. Bọn trẻ sẽ được thuận lợi hơn khi học bài và được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa bên ngoài thông qua đài, tivi.

Chúng tôi chia tay nhân dân bản Cà Đơ khi trời đã nhá nhém tối, những ánh đèn điện đã lóe sáng trong bản. Niềm vui có điện về với bà con ngay trong những ngày đầu xuân thật ấm áp. Có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất sẽ góp phần mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của các hộ ở đây - chúng tôi tin là như vậy.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ Dân Việt, EVN, Pcthainguyen...
Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét