Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Xem đồ thủ công Nhật Bản trong 1000 năm di sản tại Hà Nội và TP. HCM

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Với bề dày lịch sử truyền thống, những người nghệ nhân ở Kyoto đang tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cho mọi thế hệ.

(ICTPress) - Nhân dịp kỷ niệm năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, hợp tác với Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM và Vietnam Design House, tổ chức một chuỗi các sự kiện có tên gọi “Đồ thủ công Nhật Bản: Những thiết kế từ Kyoto” tại Hà Nội và TP. HCM.

Cố đô Kyoto là nơi nổi tiếng trên toàn thế giới với nhiều ngành nghề thủ công truyền thống và nhiều nghệ nhân. Với bề dày lịch sử truyền thống, những người nghệ nhân ở Kyoto đang tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cho mọi thế hệ.

Tuy nhiên, trong thị trường toàn cầu khắc nghiệt ngày này, yếu tố chất lượng cao có lẽ là chưa đủ để sản phẩm luôn được chú ý trên thị trường. Phải có các yếu tố khác, chẳng hạn như yếu tố về tính sang tạo trong thiết kế. Chính vì vậy, những nghệ nhân ở Kyoto cũng đang cố gắng để gìn giữ thương hiệu và phát triển những sản phẩm mới để hướng đến thị trường toàn cầu.

Trong các chuỗi sự kiện lần này, những mẫu thiết kế của một nhóm các nghệ nhân trẻ, những người thừa kế sự nghiệp làm nghề thủ công truyền thống của gia đình tại Kyoto, sẽ được trưng bày trong triển lãm, được giới thiệu qua các buổi thuyết trình và buổi hướng dẫn thực hành. Những nỗ lực của nhóm nghệ nhân này trong việc áp dụng những kỹ thuật lâu đời của nghề thủ công truyền thống Nhật Bản để tạo ra những mẫu thiết kế mang hơi thở của đương đại đồng thời cũng sẽ được giới thiệu.

Triển lãm “Đồ thủ công Nhật Bản: Những thiết kế từ Kyoto” sẽ được khai mạc vào lúc 18h00 ngày Thứ Ba, 23/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, với buổi trò chuyện của khách mời danh dự, bà Phạm Thị Kiều Phúc (Người sáng lập/Nhà Thiết kế của Module 7).

Hai buổi thuyết trình của Bà Noriko Kawakami (Nhà Báo/Phó Giám đốc của 21_21 Design Sight) và Ông Masataka Hosoo (Giám đốc thương hiệu của Hosoo Co., Ltd.) và buổi hướng dẫn thực hành của Ông Toru Tsuji (nghệ nhân đồ thủ công bằng dây kim loại) sẽ được diễn ra vào ngày thứ Ba, 7/5 tại Hà Nội và thứ Năm 9/5 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Một số công ty và nghệ nhân tiêu biểu triển lãm và thuyết trình:

Nghệ nhân Masataka Hosoo:

Hosoo là một thương hiệu lâu đời được thành lập vào năm 1688, chuyên về sản xuất obi (đai kimono) và kimono. Nghệ nhân Masataka Hosoo thuộc thế hệ thứ 12 của dòng họ Hosoo. Cách đây 4 năm, Hosoo bắt đầu kinh doanh theo hướng mới, kết hợp nghề thủ công và máy dệt vải để sản xuất ra những mảnh vải có độ rộng là 150cm, rộng hơn nhiều so với chiều rộng của một dải obi bình thường vốn chỉ có 32cm.

Vải của HOSOO tại Milano Fashion Show
LAVAL Chair , sản phẩm hợp tác với HOSOO

Hiện tại, thương hiệu này đang hoạt động tích cực để quảng bá cho những chất liệu vải mới được sản xuất trên nguyên liệu và kỹ thuật dùng để sản xuất obi, ra với nước ngoài.

Xem thêm: http://www.hosoo-kyoto.com/

Nghệ nhân Toru Tsuji:

Kyo-kanaami (nghề đan kim loại ở Kyoto) được bắt đầu vào thế kỷ thứ 8 với các sản phẩm dùng trong nhà bếp ở Kyoto. Sau thời gian dài khi số lượng các nghệ nhân của nghề này giảm xuống rõ rệt, Kanaami-Tsuji đã được thành lập vào năm 1980 và tích cực phát triển nhiều sản phẩm mới từ đó.

Nút bình rượu và dụng cụ mở rượu, Kanaami-Tsuji
Đồ làm bếp, Kanaami-Tsuji

Xem thêm: http://www.kanaamitsuji.com/en/

Nghệ nhân Takahiro Yagi

Kaikado được thành lập vào năm 1875 và làm ra các sản phẩm chazutsu hay còn gọi là những chiếc hộp đựng trà, là một phần không thể tách rời với lịch sử trà và trà đạo ở Kyoto. Sau này, công ty này đã phát triển các sản phẩm của mình đa dạng hơn với hộp đựng cà phê, đựng pasta để phù hợp với đời sống đương đại.

Hộp trà, Kaikado

Xem thêm: http://www.kaikado.jp/english/index.html

Nghệ nhân Shuji Nakagawa

Kyo-sashimono là nghề thủ công về ghép gỗ ở Kyoto với bề dày lịch sử 700 năm. Sau khi tôi rèn kỹ năng của mình ở một cửa hiệu đóng thùng rượu ở Kyoto, ông nội của Shuji Nakagawa đã thành lập nên Nakagawa Mokkougei, chuyên làm về kyo-sashimono. Công ty này đã phát triển nhiều sản phẩm mới như là chậu ủ lạnh rượu sâm-panh, dựa trên các kỹ thuật ghép gỗ truyền thống.

Xem thêm: http://www.grass-garden.com/

Nghệ nhân Tatsuyuki Kosuga

Kohchosai Kosuga là một xưởng thủ công lâu đời được thành lập từ năm 1989, chuyên về đồ thủ công làm từ tre, là nguyên liệu phổ biến ở Nhật Bản từ thời xa xưa. Xưởng này đã hoạt động rất tích cực để làm ra các sản phẩm tinh tế từ vật dụng cho đến các sản phẩm nội thất.

Giỏ hoa

 Xem thêm: http://www.kohchosai.co.jp/

Nghệ nhân Yusuke Matsubayashi

Asahiyaki được thành lập vào năm 1600, khi đó là một công ty gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm trà đạo bằng gốm, được giới quý tộc, quan lại và các bậc thầy trà đạo ưa chuộng. Ông Yusuke Matsubayashi là thế hệ thứ 16 của gia tộc này. Ngoài việc sản xuất các vật dụng trà đạo, hiện nay, ông đang cố gắng để sản xuất ra các vật dụng gốm sứ được sử dụng trong đời sống hiện đại.

Xem thêm: http://asahiyaki.com/english/index.html

Tất cả các sự kiện đều vào cửa tự do, riêng đối với việc tham dự thuyết trình và hướng dẫn thực hành nên được đăng ký trước (lưu ý: buổi hướng dẫn thực hành đăng ký để quan sát, vì chương trình này chỉ hạn chế số lượng cho khách mời).

Chi tiết thời gian sự kiện bạn đọc có thể tải tại đây.

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét