Có một khách sạn 5 sao mọc lên giữa lòng Hà Nội, nhưng chỉ để phục vụ… chó, mèo! Độc đáo hơn, chủ nhân của nó lại là một nhà thơ thuộc dạng “quái chiêu”.
Người “làm thơ dân gian”
Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta từng nghe những câu “thơ” thuộc dạng “ngôn ngữ đường phố”, có khi từ các bàn nhậu và nghe xong bật cười vì ý tưởng ngộ nghĩnh, câu chữ trần trụi nhưng ngẫm lại thì… chí lý, như: “Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì!”, hoặc “Vợ là cơm nguội của ta/Lại là phở tái của thằng cha láng giềng”, rồi “Cuối cùng tất cả chúng ta/Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”…
Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh bên mộ con chó cưng của mình - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Nguyễn Bảo Sinh sinh năm 1940 trong một gia đình sống nhiều đời ở Hà Nội. Gần như suốt đời ông chỉ sống ở số 30, ngõ 167 Trương Định, Hà Nội mà người dân ở đây quen gọi là ngõ Bảo Sinh. Thời trai trẻ ông có đi lính phòng không - không quân (cùng đơn vị với nhà thơ Lưu Quang Vũ). Trong quân đội, ông từng đảm nhiệm công tác tuyên truyền nên có nhiều bài viết, bài thơ được đăng báo. Thân phụ ông - cụ Nguyễn Hữu Mão, cũng là một người rất thích làm thơ và là họa sĩ vẽ truyền thần có tiếng đất Hà thành. Nguyễn Bảo Sinh học hết “chiêu” của thân phụ. Đi bộ đội về, ông làm rất nhiều nghề để mưu sinh: vẽ truyền thần, thợ chụp ảnh, võ sĩ quyền anh… Cuối cùng thì ông bỏ hết để theo “nghiệp chó, mèo, gà nòi” - chỉ giữ lại nghề “làm thơ dân gian” như bố ông trăng trối. Thế cho nên, suốt ngày ông cứ: “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!”…
Khách sạn 5 sao cho chó mèo
Từ những năm 1990, ông Bảo Sinh đã lập trại nuôi chó mèo trên khu đất rộng 2.000 m2 của gia đình. Ai đi đến ngõ 167 Trương Định sẽ thấy tấm biển Vương quốc chó mèo - Resort chó mèo Bảo Sinh, với chiếc cổng mô phỏng cổng Ô Quan Chưởng được xây rất đẹp. Phía sau cổng là những dãy chuồng trại chia thành từng ô nhỏ, nền lát gạch men, cửa có lưới sắt mà ông gọi là nhà nghỉ bình dân (giá trông giữ 150.000 đồng/con/ngày). Năm 2000, ông xây thêm một khách sạn 5 sao dành riêng cho chó mèo. Khách sạn 5 tầng có thang máy, các phòng hạng trung và hạng VIP, bể bơi, phòng thẩm mỹ, phòng tắm, không gian rộng để chó dạo bộ...
Những ngày Tết Quý Tỵ (2013) vừa qua, khách sạn độc đáo này dù lấy giá rất cao vẫn “cháy” phòng. Phòng hạng trung có giá 500.000 đồng/ngày, phòng VIP có giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ngày. Ông Sinh nói như phân bua: “Ngày tết nhiều gia đình có nhu cầu về quê hoặc đi du lịch xa nên họ đem vật cưng đến đây gửi rất đông. Đó là những ngày cực kỳ căng thẳng, tôi phải bố trí nhiều nhân viên không về nghỉ tết để ở lại chăm sóc. Ở đây có thể trông giữ khoảng 100 con vật, nếu nhận nhiều hơn thì việc chăm sóc sẽ không được tốt. Tuy vậy, phần đông khách hàng là người quen nên cũng khó mà từ chối. Vật nuôi sẽ được cho ăn uống một cách khoa học theo từng độ tuổi, trọng lượng. Ngoài ra chúng còn được tắm, sấy lông, cắt móng và khám chữa bệnh...”. Ông Sinh còn cho biết thêm, trước đây “thân chủ” của ông thường là loại chó kiểng, xuất xứ từ nước ngoài nhưng vài năm trở lại đây nhiều vị khách đem gửi cả chó ta, họ coi vật nuôi trong nhà như người thân nên mong muốn những điều tốt nhất cho nó. Có một bà đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, vì công vụ phải xa quê, nên gửi con chó chỉ có giá chừng vài trăm ngàn ở khách sạn. Thỉnh thoảng bà mới về nước một lần, đến thăm vật cưng của mình và đều đặn trả chi phí chăm sóc chó cho ông 30 triệu đồng/năm.
Ông Sinh còn lập ra phòng chữa bệnh chó mèo và đặc biệt là… nghĩa trang chó. Đó là khu đất rộng 700 m2 vốn là cái ao cũ đã san lấp. Mộ của chúng là những hũ đựng tro cốt (sau khi hỏa táng), có bia đá khắc tên, năm sinh và năm mất (có bia gắn cả ảnh chó), trước mỗi mộ có một lư nhang. Ông cho rằng con vật cũng có linh hồn như người. Rồi ông tự trào:“Boxing - nuôi chó - chọi gà/Mấy ai biết được ông là… nhà thơ!”.
Đến nay, ông Nguyễn Bảo Sinh đã sáng tác được hơn 2.000 bài thơ. Ngoài những vần thơ “đá cá lăn dưa” mà công chúng rất ưa thích, ông còn sáng tác cả thơ rất gần với thơ thiền mà ông gọi là “huyền thi”. Một trong những bài tiêu biểu của “huyền thi” là: “Cùng chung một chuyến đò ngang/Kẻ thì sang bến, người đang trở về/Lái đò lái mãi thành mê/Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Nhưng có lẽ những câu thơ nghịch ngợm mới đúng “thương hiệu” Bảo Sinh: “Muốn cho trộm khỏi viếng nhà/Thì đề ngoài cửa: đây là nhà thơ!”. |
Hà Đình Nguyên
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét