Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Đường hầm bí ẩn dưới đền Bà Chúa Kho

Các cụ ngày xưa kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho. Sau này qua các triều đại phong kiến, đường hầm này vẫn được tiếp tục sử dụng để đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp).

Đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng? 

Đền Bà Chúa Kho ở Cỗ Mễ (Phú Ninh, Bắc Ninh) được người dân biết đến như một "ngân hàng địa phủ" lớn nhất và uy tín nhất cả nước.

Theo tục thì vay đầu năm trả cuối năm, vì thế cứ vào những ngày đầu năm người dân khắp cả nước lại về nơi đây cầu mong có một năm nhiều tiền lộc, no đủ. Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... (nay thuộc xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Suốt nhiều năm nay, nơi đây vẫn được coi là mảnh đất thiêng và được người dân khắp cả nước đến cúng bái, lễ lạt.

Thế nhưng ít ai biết ở dưới núi có một đường hầm, chỉ cách điện thờ Bà Chúa chừng 1,5m. Đây là đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, chỗ thấp nhất cũng gần 1m8.

Nhiều người dân sống quanh đây kể rằng, đường hầm đã bị bỏ quên từ rất lâu, và trong đường hầm có rất nhiều rắn.

Nghe vậy, những gai ốc trên người tôi bỗng nổi lên. Nhưng máu tò mò đã thôi thúc tôi tìm đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (người của ban di tích) và nhờ ông dẫn đường.

Dù đã chuẩn bị hai cái đèn pin và vài cây nến bằng nửa cổ tay tôi vẫn run run khi bước chân qua bức tường chắn đường hầm đã bị ai đó làm đổ.

Vừa mới bước vào đường hầm, một mùi ẩm mốc, ngai ngái đã bốc lên khiến chân tôi chùn lại. Xung quanh cửa hầm, mạng nhện giăng kín như từ lâu lắm không có ai ghé qua.

Bước sâu vào bên trong thì thấy đường hầm được xây khá kiên cố, bên trong lát gạch đỏ có chỗ trát bê tông. Do bị bỏ hoang quá lâu nên trên nền đường hầm gạch vữa sụp đổ ngổn ngang, bùn đất nhão nhoét.

Càng đi vào trong thì đường hầm càng bằng phẳng, cách cửa đường hầm khoảng 200m về phía bên tay trái vẫn còn một phòng cao chừng 2m, rộng 3m. Bên trong phòng có một bàn làm việc bằng bê tông. Nhiều đoạn trong đường hầm bị hỏng nhô ra những phiến đá hình thù khá đẹp.

Nói về đường hầm này với vẻ thành kính, bác Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ hưu trí ở Cổ Mễ, Bắc Ninh cho biết, từ đời bố của bác cũng không biết đường hầm này có từ khi nào.

Mọi người đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng. Trong cuộc chiến trống quân xâm lược nhà Tống, bà đã đứng ra xây dựng nhà kho, tích trữ lương thực để đánh quân xâm lược.

Núi kho là nơi được bà lựa chọn để tích lũy lương thực. Đường hầm chính là do bà cho xây dựng để vận chuyển lương thực từ bờ sông Như Nguyệt lên nhà kho của mình một cách dễ dàng và không bị địch phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Ban di tích đền Bà Chúa Kho) cho biết: "Các cụ ngày xưa có kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho.

Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp). Bức tường này vẫn còn ở trên đồi. Đến thời Pháp, chúng xây dựng kiên cố hơn và tồn tại cho đến ngày nay".

Một số người lại cho rằng đường hầm này, xưa, do giặc phương Bắc đào để chứa vàng cướp được của dân ta. Một số khác lại cho rằng thực chất đây là một đường hầm xuyên núi có từ thời Pháp - Nhật giao tranh.

Một cụ già cao niên trong làng chia sẻ từ thời ông lên 9, lên 10, mỗi lần ra đây thả trâu tôi thường đốt đuốc đi vào trong để bắt dơi, bắt chuột nhưng không bao giờ dám đi hết đường hầm vì càng đi sâu vào trong càng khó thở... thành ra đường hầm vẫn là một nơi rất kỳ bí.

Quân giặc không dám phạm đến mảnh đất thiêng

Theo sách sử còn ghi rằng, vào đầu thế kỷ 19, thực dân pháp xâm lược Việt Nam. Trong những ngày chiếm đóng, chúng mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất để vơ vét của cải vật chất.

Nhà máy giấy Đáp Cầu được xây dựng năm 1913 ngay cạnh sông Như Nguyệt sát Núi Kho nằm trong kế hoạch ấy của chúng. Nhưng những năm 40 của thế kỷ 19 Nhật nhảy vào cạnh tranh với Pháp, chúng muốn hất cẳng Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc chiến giữa Pháp và Nhật căng thẳng. Bắc Ninh không nằm trong ngoaị lệ, đường hầm được Pháp chọn làm nơi che giấu sĩ quan nhân viên cấp cao của chúng ở khu vực và công nhân nhà máy giấy Đáp Cầu mỗi khi quân Nhật càn quét tới.

Khi Pháp rút đi thì Mỹ lại xâm lược Việt Nam. Năm 1972, chiến tranh ác liệt, người dân Cổ Mễ phải sơ tán lên Núi Kho. Và chính đường hầm rộng, sâu nên chứa được rất nhiều người, nhờ đường hầm mà cả làng thoát được những trận mưa bom bão đạn.

Cũng nơi đây còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách. Trận địa pháo cao xạ được xây dựng cấp tốc ngay chân núi Kho, đường hầm là nơi cất giấu vũ khí. Tại núi Kho quân ta đã hạ được nhiều máy bay của địch.

Tuy nhiên có một điều lạ lùng xung quanh vùng núi Kho mà đến bây giờ mọi người vẫn không thể giải thích nổi. Trải qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn của Pháp và Mỹ cày nát những vùng xung quanh thế nhưng nơi đây tuyệt nhiên không một quả bom rơi xuống.

Những đoàn pháo cao xạ khi chiến đấu ở đây cũng không hề bị một quả bom nào dội trúng, nhưng khi vừa bước qua quả đồi bên kia thì liền bị bom Mỹ dội ngay. Người dân tin rằng mảnh đất thiêng oai hùng khiến cho bom đạn của giặc không thể đụng tới. Chính Bà Chúa Kho đã che chở cho người dân khiến quân giặc không thể xâm phạm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nguồn gốc của đường hầm này còn nhiều giả thiết khác nhau. Ông và một số nhà nghiên cứu thiên về giả thiết cho rằng đường hầm được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Sở cũng đang tiến hành một số thủ tục để nghiên cứu thêm về niên đại của đường hầm".

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin, Kiến Thức...
Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét