Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Những điều khó quên ở Mường Lò

Theo quốc lộ 32 uốn lượn qua miền núi non Tây Bắc, đoàn chúng tôi dừng chân một ngày ở thung lũng Mường Lò. Thung lũng được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn này là một trong những cái nôi văn hóa của tỉnh Yên Bái. 

Với sự hiện diện của 17 dân tộc trong đó đông nhất là người Thái đen, Mường Lò khiến những ai đã một lần đi qua sẽ phải nhớ mãi đời sống sơn cước thi vị và nhiều màu sắc nơi đây.


Một cánh đồng ở Mường Lò

Từ nhà sàn nhìn ra những cánh đồng lúa thoai thoải bậc thang chạy về phía núi, trên đồng thấp thoáng bóng những cô gái Thái duyên dáng trong trang phục đen truyền thống, du khách bỗng đâm ra lưu luyến đời sống miền sơn cước.

Trong các dân tộc ở Việt Nam, người Thái có đời sống văn hóa tinh thần phong phú được xếp vào bậc nhất. Người Thái ở Mường Lò nổi tiếng là giữ gìn được nhiều nét văn hóa của cha ông, từ nếp nhà sàn đến nghề dệt thổ cẩm, trang phục, ẩm thực, đặc biệt là những điệu khắp (hát, ngâm), điệu xòe lãng mạn mượt mà.

Trong những buổi tiếp khách phương xa, giữa tiếng khèn bay bổng, tiếng trống, tiếng chiêng sâu lắng mà rộn rã, những bước xòe uyển chuyển làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn.

Sinh sống trên vùng đất phì nhiêu, trù phú, người Thái ở Mường Lò cũng sáng tạo nên một nền ẩm thực đặc sắc với bánh chưng đen, thịt trâu sấy, thịt hun khói, cơm nhuộm, xôi cá… đặc biệt nhất là các món ăn chế biến từ côn trùng, rêu đá.

Mùa xuân ở Mường Lò

Rêu mọc từ đá ngầm dưới sông, suối là loại thực phẩm được người Thái, Mông, Mường yêu thích từ xa xưa. Theo các già làng, rêu có khả năng chữa một số bệnh và phòng ngừa lam sơn chướng khí.

Khi mùa rêu đến, các bản làng chọn một ngày làm ngày hội lấy rêu, nhà nhà cùng nhau đi đến bãi rêu ở các sông, suối lớn. Mỗi năm người Thái tổ chức đi lấy rêu bốn, năm lần để làm thức ăn khô dự trữ và làm quà biếu.

Rêu ở Mường Lò dài, dày, xanh ngắt, ngon nhất vào tháng 11, 12 Âm lịch. Việc chế biến rêu quan trọng nhất là khâu xử lý ban đầu.

Người ta đặt rêu lên những tảng đá nhẵn, dùng thanh gỗ đập tơi, sau đó rửa thật kỹ, xong đem ủ muối từ 10 đến 15 phút rồi lại rửa lại, cuối cùng mới băm nhỏ rêu và cho gia vị vào để chế biến thành các món ăn.

Các món ăn được chế biến từ rêu khá đa dạng như: rêu nướng, chiên, nấu canh. Cầu kỳ nhất và hấp dẫn nhất là hai món khay pho, khay pỉnh.

Mâm cỗ của người Thái

Khay pho gồm rêu, một chút thịt mỡ, hành, tỏi, mắc khén, gừng, ớt, thì là, lá chanh, củ sả (tất cả đều được băm nhỏ) trộn đều với ít muối, xong rồi đem gói lại bằng lá dong hoặc lá chuối và vùi vào tro nóng, bên ngoài phủ than hồng.

Sau khoảng hai giờ, khi lá chuối đã khô giòn, chuyển sang màu vàng ươm là rêu đã chín. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng tỏa mùi ngạt ngào, còn rêu vẫn riêng một vị thanh mát.

Món khay pỉnh còn cầu kỳ hơn. Rêu và gia vị sau khi trộn như làm khay pho thì được đem gói bằng lá lốt hoặc lá chanh, xong rồi lấy thanh tre tươi chẻ đôi kẹp các gói nhỏ này lại đem nướng giòn.

Rêu chín, lấy ra cho vào chảo chiên với mỡ heo rồi mới ăn. Món rêu thơm phức nhắm với chút rượu gạo, rượu ngô nấu bằng men lá quả đúng là tinh hoa của núi rừng.

Vào các dịp lễ tết, người Thái còn băm nhỏ rêu với thịt gà thịt vịt, cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nghe nói món này ăn béo ngậy và có mùi thơm rất quyến rũ.

Khách phương xa đến nếu được đãi rêu là biết người dân nơi đây quý mình lắm. Bởi vì rêu suối nhiều nhưng rêu ngon thì ít, và mùa rêu ăn được cũng rất ngắn ngủi.

Món rêu khô trên gác bếp là thứ quà biếu mà người Thái chỉ để dành cho những mối thân tình.

VŨ TOÀN

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét